Email: hoi.vn.cuba.hn@gmail.com
Tel: 0983 655 898 - 0912 023 530
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cuba, (2/12/1960-2/12/2020), chúng ta hết sức vui mừng về quan hệ hữu nghị đặc biệt và đoàn kết gắn bó giữa hai nước. Mối quan hệ đoàn kết anh em, hữu nghị gắn bó và tin cậy giữa Việt Nam và Cuba rất đặc biệt và hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Hai nước chia sẻ lịch sử đấu tranh anh dũng giải phóng dân tộc, khát vọng bảo vệ nền độc lập, tự do, quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, cũng như mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng lòng dân hai nước gần gũi như anh em một nhà”. Sáu thập niên trước, nước Cộng hòa Cuba đã trở thành nước đầu tiên ở Tây bán cầu công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước CHXHCN Việt Nam (2/12/1960 - 2/12/2020). Kể từ đó, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân hai nước đã dày công tâm huyết vun đắp và phát triển mối quan hệ thủy chung, trong sáng Việt Nam-Cuba. Lịch sử đã chứng kiến, bất chấp những biến chuyển phức tạp của tình hình thế giới, mối quan hệ Việt Nam-Cuba luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách và biến động, không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp vào sự nghiệp chính nghĩa của hai dân tộc.
Việt Nam luôn trân trọng khắc ghi tình đoàn kết và sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của Cuba dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước trước đây. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc kháng chiến, Cuba luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam: là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chấp thuận Phái đoàn Đại diện thường trú của Mặt trận (7/1962), thành lập Ủy ban Đoàn kết với miền Nam Việt Nam (25/9/1963), công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1965). Cuba cũng là nước duy nhất bổ nhiệm Đại sứ thường trú bên cạnh Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng (3/1969) để thể hiện sự ủng hộ và sát cánh với cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Kết tinh của những nghĩa cử cao đẹp và hào hiệp trên của Cuba dành cho Việt Nam là câu nói đi vào lịch sử của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” (tháng 1/1966), cũng như chuyến thăm lịch sử của Đồng chí tới Việt Nam năm 1973. Đồng chí Fidel đã trở thành Nguyên thủ nước ngoài duy nhất vượt vĩ tuyến 17 tới thăm vùng giải phóng của Mặt trận Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị trong lúc cuộc chiến tranh ở Miền Nam vẫn còn ác liệt. Tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh (OSPAAAL), Cuba luôn lên tiếng ủng hộ và phát động phong trào đoàn kết, ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa chống đế quốc xâm lược. Cuba đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại khóa 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977. Song song với sự ủng hộ và cổ vũ lớn lao về chính trị, ngoại giao và đoàn kết quốc tế, Cuba đã dành sự hỗ trợ vật chất hết sức hào hiệp và đầy ý nghĩa cho Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến và xây dựng lại đất nước sau đó, Cuba đã cử hàng nghìn kỹ sư, công nhân, bác sĩ và chuyên gia sang giúp Việt Nam, trong đó đã có người ngã xuống trong khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả; Cuba đã giúp đào tạo hàng nghìn sinh viên Việt Nam; viện trợ cho Việt Nam nhiều trang thiết bị, vật tư máy móc, lương thực thực phẩm, thuốc men và nhiều hỗ trợ giá trị khác, mặc dù bản thân Cuba thời điểm ấy còn nhiều khó khăn và phải nhận viện trợ từ nước ngoài. Ngay trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, đồng chí Fidel đã quyết định viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam xây dựng 5 công trình kinh tế - xã hội gồm có: Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, khách sạn Thắng Lợi, Quốc lộ 21, Trại bò Mộc Châu và Trại gà Lương Mỹ, phần lớn các công trình đó cho đến nay vẫn còn phát huy giá trị. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi Cuba phải đương đầu với “thời kỳ đặc biệt” với nhiều thách thức, khó khăn về kinh tế - xã hội và khi Cuba tiến hành đường lối “cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế-xã hội”, Việt Nam đã chân thành chia sẻ với Cuba về kinh nghiệm Đổi mới. Thông qua Ủy ban Liên Chính phủ hai nước, Việt Nam duy trì cung cấp gạo ổn định cho Cuba, triển khai một số dự án hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lương thực và thủy sản tại chỗ, cùng một số chương trình hỗ trợ và hợp tác thiết thực khác. Nhân dân Việt Nam, với đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình cảm xuất phát từ trái tim dành cho Cuba, đã nhiều lần bày tỏ tình đoàn kết, ủng hộ nhiệt tình đối với nhân dân Cuba anh em, thể hiện qua các phong trào đoàn kết, ủng hộ Cuba và các đợt quyên góp do các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam phát động.
Hai nước luôn phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế. Việt Nam luôn bày tỏ lập trường nhất quán ủng hộ Cuba, yêu cầu Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế và tài chính chống Cuba; tích cực tham gia hoặc đăng cai tổ chức các Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng với các nước thành viên ASEAN ủng hộ Cuba tham gia, ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ngày 10/11 vừa qua. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau Việt Nam - Cuba cũng đã được thể hiện mạnh mẽ, cụ thể, thiết thực. Cuba đã sớm quyết định cử chuyên gia sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh và dành tặng Việt Nam hàng ngàn liều thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19; Việt Nam cũng tặng Cuba 5.000 tấn gạo với danh nghĩa “Quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi nhân dân Cuba” cùng một số trang thiết bị y tế khác. Ngày nay, Cuba tiếp tục là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam. Hai bên đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị mật thiết và hợp tác sâu rộng giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và ở tất cả các cấp độ từ trung ương đến địa phương, giữa các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn, bao gồm các đoàn Cấp cao, các đoàn Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; duy trì trao đổi, hợp tác thực chất thông qua các cơ chế hiện có gồm Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cuba về hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật (UBLCP), Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Đối thoại Chính sách Quốc phòng. Đặc biệt, trong suốt 37 kỳ họp UBLCP, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn tham gia tích cực, phối hợp thúc đẩy hiệu quả nhiều chương trình, dự án hợp tác song phương Việt Nam – Cuba về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, văn hóa… Quan hệ đầu tư song phương còn rất nhiều tiềm năng, hiện đã có 03 dự án đầu tư của Việt Nam ở Cuba đi vào hoạt động. Ôn lại chặng đường vẻ vang 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết tâm triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Cuba đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là phấn đấu đưa quan hệ kinh tế phát triển tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tại mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên toàn thế giới./.